Trang Chủ
Công viên ven biển – Bảo vệ sinh thái và giáo dục môi trường
Tháng 5 năm 2014, Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị và Công ty cổ phần Kiến trúc – V đã đề xuất thực hiện dự án “Công viên ven biển – Bảo vệ sinh thái và giáo dục môi trường”. Dự án đề xuất xây dựng một công viên ven biển trên cơ sở tận dụng và bảo vệ toàn bộ địa hình tư nhiên, môi trường sống tự nhiên và thực vật địa phương hiện có.

 Bãi biển Cửa Đại-Hội An bắt đầu phát triển từ khoảng năm 2000 với nhiều công trình xây dựng phục vụ du lịch như: khách sạn, resort, nhà hàng. Toàn bộ khu vực bãi biển đều được triển khai xây dựng theo các bước:(i) san phẳng địa hình tự nhiên, (ii)bê tông hóa nhiều diện tích bề mặt, (iii)xây dựng công trình, (iv)trồng nhiều thực vật ngoại lai.Trong khi đó cảnh quan nguyên thủy của khu vực này trước đây là các đồi cát và thực vật địa phương. Hệ quả của quá trình xây dựng và phát triển trên là: (i)địa hình tự nhiên và thực vật bản địa dần biến mất, (ii) bãi biển bị xói mòn nghiêm trọng, (iii)các thực vật ngoại lai cần nhiều nước ngọt hơn(vốn đã ít do quá trình bê tông hóa bề mặt) và các chất bón hóa học làm tăng chi phí,tốn nước ngọt và biến đổi thành phần của đất, (iv) cuộc sống các giống,loài động vật địa phương vốn quen sinh trưởng trong môi trường tự nhiên với thực vật bản địa đã bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc xây dựng công trình làm ảnh hưởng tầm nhìn và việc thụ hưởng bãi biển của cộng đồng cư dân địa phương.

Để góp phần chung tay tìm ra giải pháp cho vấn đề trên, Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị và Công ty cổ phần Kiến trúc – V đã đề xuất thực hiện dự án “Công viên ven biển – Bảo vệ sinh thái và giáo dục môi trường”. Dự án đề xuất xây dựng một công viên ven biển trên cơ sở tận dụng và bảo vệ toàn bộ địa hình tư nhiên, môi trường sống tự nhiên và thực vật địa phương hiện có. Công viên được xây dựng với diện tích gần 4000 m2 tại Khu H, phường Cửa Đại, thành phố Hội An. Những giải pháp chính bao gồm (i)không sử dụng xi măng, bê tông và các vật liệu không thể tái chế, (ii) bảo vệ thảm thực vật địa phương hiện có, (iii)tạo các điểm thu giữ nước ngọt, (iv) tạo các điểm giáo dục môi trường trong công viên để nâng cao nhận thức cộng đồng về hệ sinh thái thực vật bản địa và tầm quan trọng của nó. Các giải pháp xây dựng công viên đảm bảo các tiêu chí kiến trúc xanh như sử dụng vật liệu địa phương và vật liệu tái chế, tái sử dụng nước và xử lý nước thải tại chỗ.

Dự án có ba mục đích chính:

(i)                  Xây dựng công viên ven biển thí điểm.

(ii)                Tác động chính sách của chính quyền địa phương về quy đinh đối với việc phát triển không gian công cộng ven biểntheo hướng bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái bản địa.

(iii)               Nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch về tầm quan trọng của việc bảo tồn hệ sinh thái bản địa.

Dự án được tài trợ bởi Quỹ Hanns Seidel Foundation, Sáng kiến Rừng ngập mặn cho tương lai – MFF và sự đóng góp của Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị, Công ty cổ phần kiến trúc  - V cùng chính quyền địa phương. Dự án được thực hiện trong 6 tháng (1/05/2014 đến 30/11/2014).

Công viên ven biển – Bảo vệ sinh thái và giáo dục môi trường